[Hoc Organ] Tìm hiểu về cây đàn Organ điện tử (Bài 1)

TÌM HIỂU CÂY ĐÀN ORGAN ĐIỆN TỬ

Bài 1: Lịch sử ra đời của cây đàn Organ điện tử

Đàn Organ điện tử còn được gọi là Đàn phím điện tử (Electronic Keyboards) hay đơn giản là Organ (cách gọi này ở Việt Nam thực chất là không chính xác, khiến người ta nhầm lẫn với tên gọi của cây đàn Organ nhà thờ - Church Organ/ Pipe Organ - vốn có lịch sử ngàn năm phát triển trong âm nhạc, kiến trúc tôn giáo ở châu Âu). Với sự phát triển của công nghệ âm thanh điện tử thế kỷ 20, các chuyên gia âm thanh-âm nhạc điện tử và các hãng nhạc cụ đã áp dụng và phát triển kỹ thuật điện tử cho cây đàn Phím điện tử này. Sự khuyếch đại các làn sóng âm thanh theo hệ thống điện tử đã bảo đảm được cường độ âm lượng to lớn cần thiết cùng với khả năng tạo ra những âm sắc đặc biệt độc đáo (Âm thanh điện tử, âm thanh vũ trụ, các hiệu ứng âm thanh như tiếng gió hú, tiếng sóng biển, giọng hát của con người, dàn hợp xướng), đồng thời mô phỏng được rất nhiều loại nhạc cụ khác nhau: từ các nhạc cụ phương Tây như: Piano, Organ nhà thờ, Guitar điện và Guitar Acoustic, Violon, Violocello, dàn giây (Strings) Trống định âm, bộ gõ giao hưởng… tới các nhạc cụ dân tộc: Tranh, Bầu, Sáo trúc, bộ gõ dân tộc và nhiều nhạc cụ của các dân tộc trên thế giới. Organ điện tử thông thường có dạng bàn phím piano với những kiểu cách, chủng loại và kích cỡ khác nhau để phù hợp với mọi nơi, mọi chỗ từ phòng nhỏ cho đến hội trường lớn, nhà thờ hoặc nhà hát v.v...

- Về nguyên tắc tạo âm, đàn Organ điện tử là sự tổng hợp của một loạt các chìa khoá (nút Voice/ Sound) mở ra âm thanh. Khi những chìa khoá (nút) trên phím đàn được ấn xuống, nó kích hoạt một loạt máy giao động (cái mà được sản xuất bằng tín hiệu điện tử), những máy giao động đó phải đi qua bộ khuyếch đại tới loa phóng thanh và ở đó sẽ cho dạng  âm thanh mà ta cần. Với cách làm đó, đàn organ điện tử có thể mô phỏng âm thanh của bất cứ đàn organ thông thường nào cũng như mô phỏng âm sắc của nhiều nhạc cụ khác nhau.

- Về nguồn gốc sự xuất hiện organ điện tử nói riêng và của các loại nhạc cụ điện tử nói chung đã từng làm xôn xao dư luận âm nhạc trên thế giới với nhiều ý kiến khen chê khác nhau. Trong số đó, nhạc khí điện tử của Martenot sáng chế năm 1928 đã trở thành loại phổ biến nhất được sản xuất hàng loạt và có ứng dụng thể nghiệm trong cả tác phẩm giao hưởng.

Maurice Martenot là nhạc sĩ - kỹ sư người Pháp (1898 - 1980), ông đã phát minh ra nhạc cụ gọi là “Sóng Martenot” (Onders Martenot) hay còn gọi là “Sóng nhạc”  (Onders musical). Nhạc cụ này có một bàn phím tương tự bàn phím piano và một ngân hàng máy giao động nối tới máy khuyếch đại và loa phóng thanh. Âm vực của sóng Martenot khá rộng tới bảy quãng 8 và có thể biểu diễn thoải mái từ sắc thái cực nhỏ (ppp) cho đến cực to (fff). Âm thanh cũng có thể biến đổi bởi một thiết bị “dải băng” đặc biệt và tạo nên một thứ âm thanh rất khác lạ. Với âm sắc đặc biệt, nó đã được sử dụng trong bản giao hưởng “Turangalila” của Messiaen, Oratorio “Joan of are at the Stake” của Honegger và bản giao hưởng “Giải phóng” của nhạc sĩ Nguyễn Thiên Đạo v.v...

Về âm sắc, có những âm thanh mang tính chất kim loại như bộ kèn đồng, có những âm thanh mang màu sắc của bộ gỗ, bộ dây v.v...

Ưu điểm của âm chất nhạc khí này là gạn lọc được tạp âm nên có thể biểu hiện được âm thanh rất trong trẻo, thuần khiết hoặc nhiều âm sắc khác nhau một cách phong phú. Hơn nữa do việc sử dụng bàn phím nên kỹ thuật ngón cho “Sóng Martenot” tương đối linh hoạt, dễ dàng và thuận tiện.

Có thể nói sự ra đời của Sóng Martenot đã khởi điểm cho sự phát triển rộng rãi của nhạc cụ điện tử sau này, nhất là organ điện tử mà tiêu biểu phải kể đến organ Hammond được phát minh năm 1934 ở Mỹ. Đây là nhạc cụ điện tử đặc biệt với những phím đàn lớn, một bàn phím  pedal và một số lớn các phím bấm, hoặc cũng có khi chỉ là hai hàng phím nhỏ. Organ điện tử rất thích hợp cho loại nhạc bình dân (Popular music), bởi vì nó rất linh hoạt và dễ sử dụng. Cây đàn organ điện tử được ưu điểm là có thể đặt trên giá đàn hay có thể đeo vào cổ như đàn ghi ta cho nên được người diễn yêu thích.

Trong những năm 30 của thế kỷ XX khi trào lưu biểu diễn nhạc cụ điện tử thịnh hành thì đàn organ điện tử chính là nhạc cụ đặc biệt được chú ý. Từ những năm 50 - 60, khi trào lưu nhạc Rock ra đời lan rộng khắp hành tinh thì nhạc cụ tiêu biểu của nó chính là organ điện tử cùng với các nhạc cụ điện tử khác. Ngày nay, với tính năng kỳ diệu của mình, đàn organ điện tử đã trở thành loại nhạc cụ quen thuộc trên khắp hành tinh.

Organ điện tử có hai dòng chính là dòng đàn chuyên dụng và bán chuyên dụng.

Organ điện tử dòng đàn chuyên dụng phần lớn được sử dụng trong giới nhạc sĩ chuyên nghiệp được đào tạo chính quy về âm nhạc. Người nghệ sĩ biểu diễn trên nhạc cụ này có thể khai thác được toàn bộ khả năng diễn tấu của cây đàn như hoà âm đầy đặn cộng với màu sắc âm thanh đa dạng. Người diễn không chỉ sử dụng hai bàn tay trên phím bấm mà còn sử dụng cả hai bàn chân nhấn pedal để tạo hiệu quả âm nhạc. Tóm lại, organ điện tử có khả năng thay thế cả một dàn nhạc. Ở Việt Nam, loại đàn chuyên dụng mà người ta thường dùng nhất là đàn Korg và Rolland.

Dòng đàn bán chuyên dụng khá phổ biến và ngày càng trở nên phổ cập trong công chúng Việt Nam. Loại đàn này tương đối dễ sử dụng, nó có thể đáp ứng được trình độ âm nhạc từ thấp đến cao, rất đa năng và cũng rất gọn nhẹ. Dòng đàn organ điện tử bán chuyên dụng thông dụng nhất ở Việt Nam là của hai hãng Yamaha và Casio, ngoài ra còn có một số loại đàn của hãng Kawai, v.v… Các bạn có thể tham khảo về các loại đàn Organ này cùng với thông số và giá thành hiện hành ở Việt nam tại trang thông tin nhạc cụ  www.muapiano.com

                                   (Bài 2: Một số kỹ thuật chơi đàn Organ điện tử)
  TS Nguyễn Tài Hưng (Học viện Âm nhạc Quốc gia)

                                           www.musiclandvietnam.com

(Update: 01/2015)

                                            (Sao chép phải ghi rõ nguồn)